Xuất khẩu dệt may dự báo khởi sắc hơn trong 6 tháng cuối năm 2021

Thông tin

Xuất khẩu dệt may dự báo khởi sắc hơn trong 6 tháng cuối năm 2021

Xuất khẩu dệt may phục hồi trong dịch COVID-19

Theo Bộ Công Thương, trong gần 6 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 9,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%.

Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng khá như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 261,5 triệu mét, tăng 9,3% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 482,5 triệu mét, tăng 8,8% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 1.882,9 triệu cái, tăng 9,7%...

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%.

Là một trong những “cánh chim đầu đàn” của ngành dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Vinatex đã phục hồi, doanh thu thuần đã đạt khoảng 3.377 tỉ đồng, lợi nhuận gộp tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; hiệu quả sản xuất - kinh doanh của công ty mẹ và hầu hết các đơn vị thành viên của Vinatex đã tăng so với cùng kỳ.

Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhấn mạnh: Sự hồi phục về xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2021 là nhờ nỗ lực của Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chính sách và động thái hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và thông thương hàng hoá.

Dự báo xuất khẩu dệt may khởi sắc vào cuối năm

Cũng theo Bộ Công Thương, hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu (EU)- Việt Nam), thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến Quý III năm nay.

"Phần lớn doanh nghiệp may trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý III/2021, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng cho cả năm 2021" - ông Cao Hữu Hiếu - Phó Tổng giám đốc Vinatex, cho biết.

Nhấn mạnh về những "điểm sáng" về xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cũng cho rằng, hiện tại, thị trường Mỹ vẫn là đối tác lớn nhất. Bên cạnh đó là thị trường EU do còn nhiều dư địa phát triển. Hơn nữa, Hiệp định EVFTA sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội bởi thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu mặt hàng dệt may sang thị trường sẽ tạo điều kiện để hàng dệt may Việt Nam giảm giá thành, đủ năng lực cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng dệt may, đặc biệt là hàng dệt may cao cấp.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới có thể khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị trở ngại, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và mặt hàng dệt may nói riêng. Để hỗ trợ cho xuất khẩu dệt may, Bộ Công Thương sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới, song song với việc tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Ưu tiên vaccine cho người lao động

Để đảm bảo an toàn cho người lao động với dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp dệt may đang tiến hành mua và tiêm vaccine cho người lao động. Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex, thì cần tới trên 1 triệu liều vaccine cho Vinatex để tiêm cho người lao động và người phụ thuộc vào người lao động của ngành này.

"Vinatex đã đề nghị Chính phủ quan tâm ưu tiên nguồn vaccine cho người lao động ngành dệt may và các doanh nghiệp sẵn sàng chịu mọi chi phí để tiêm được vaccine cho người lao động của mình" - ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

VŨ LONG